BÍ MẬT TƯ DUY TRIỆU PHÚ (T. HARV EKER)
T. Harv Eker là một doanh nhân, một diễn giả tài năng. Ông từ hai bàn tay trắng trở thành triệu phú chỉ trong vòng hai năm rưỡi. Trước tuổi 30, ông sở hữu 17 công ty nhưng rồi tất cả đều bị phá sản. Sau đó, ông bắt đầu lại sự nghiệp chỉ với 2.000 đô-la đi vay. Và giờ đây, Eker là chủ tịch tổ chức giáo dục Peak Potentials Training, một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Bắc Mỹ trong lĩnh vực phát triển cá nhân hướng đến thành công. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đổ về tham gia khóa học của ông. Đến nay, những chương trình của T. Harv Eker đã thay đổi cuộc sống của hơn nửa triệu người. Trong những khóa học đó, ông chia sẻ những bí mật thành công đã được chứng minh trong quyển sách mang tính cách mạng này “Bí mật Tư Duy Triệu Phú”.
Cuốn sách Bí mật Tư Duy Triệu Phú gồm 2 phần chính
PHẦN I: KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH TRONG TẦM THỨC BẠN
Tại sao kế hoạch tài chính trong tầm thức bạn lại đóng vai trò quan trọng?
Những lời tuyên bố: Bí quyết đầy sức mạnh cho sự thay đổi
Kế Hoạch Tài Chính trong tầm thức bạn là gì và kế hoạch đó đã hình thành như thế nào?
PHẦN II: SUY NGHĨ THỊNH VƯỢNG
Tư duy triệu phú số 1: Người giàu tin: “Tôi tạo ra cuộc đời tôi”. Người nghèo tin: “Cuộc sống toàn những điều bất ngờ xảy đến với tôi”
Tư duy triệu phú số 2: Người giàu tham gia cuộc chơi tiền bạc để thắng. Người nghèo tham gia cuộc chơi tiền bạc chỉ để không bị thua.
Tư duy triệu phú số 3: Người giàu quyết tâm làm giàu. Người nghèo muốn trở lên giàu có.
Tư duy triệu phú số 4: Người giàu suy nghĩ lớn. Người nghèo suy nghĩ nhỏ.
Tư duy triệu phú số 5: Người giàu tạp trung vào các cơ hội. Người nghèo tập trung vào những khó khăn.
Tư duy triệu phú số 6: Người giàu ngưỡng mộ những người thành công và giàu có khác. Người nghèo bực tức với những ai thành công và giàu có.
Tư duy triệu phú số 7: Người giàu kết giao với những người thành công và tích cực. Người nghèo giao du với những người thất bại và tiêu cực.
Tư duy triệu phú số 8: Người giàu sẵn sàng tôn vinh bản thân và giá trị của họ. Người nghèo suy nghĩ tiêu cực về bán hàng và quảng bá.
Tư duy triệu phú số 9: Người giàu đứng cao hơn những vấn đề của họ. Người nghèo đứng thấp hơn những vấn đề của họ.
Tư duy triệu phú số 10: Người giàu biết đón nhận. Người nghèo không biết đón nhận.
Tư duy triệu phú số 11: Người giàu muốn được trả công theo kết quả. Người nghèo muốn được trả công theo thời gian.
Tư duy triệu phú số 12: Người nghèo suy nghĩ “cả hai”. Người nghèo suy nghĩ “một trong hai”.
Tư duy triệu phú số 13: Người nghèo chú trọng vào tổng tài sản. Người nghèo chú trọng vào thu nhập từ việc làm.
Tư duy triệu phú số 14: Người giàu quản lý tiền của họ rất giỏi. Người nghèo không biết quản lý tiền của họ.
Tư duy triệu phú số 15: Người giàu bắt tiền phải phục vụ mình. Người nghèo làm việc vất vả để kiếm tiền.
Tư duy triệu phú số 16: Người giàu hành động bất chấp nỗi sợ hãi. Người nghèo để nỗi sợ hãi ngăn cản họ.
Tư duy triệu phú số 17: Người giàu luôn học hỏi và phát triển. Người nghèo nghĩ họ đã biết tất cả.
Sachkinhte.com.vn xin giới thiệu với bạn đọc một đoạn trích trong cuốn sách:
“Nếu muốn tạo ra thịnh vượng, điều quan trọng là bạn phải tin rằng bạn là người cầm lái của cuộc đời mình, đặc biệt là cuộc sống tài chính của bạn. Nếu bạn không tin điều đó, nghĩa là bạn vốn dĩ tin rằng bạn không thể kiểm soát được hoặc kiểm soát rất ít cuộc sống của mình, và do vậy bạn không thể kiểm soát được hoặc kiểm soát rất ít khả năng thành công tài chính của bạn. Đó không phải là một thái độ để giàu có.
Bạn có bao giờ để ý rằng thông thường chỉ những người nghèo mới làm tiêu tan cả gia tài vào trò chơi xổ số không? Họ thành tâm tin rằng sự giàu có sẽ đến với họ nhờ có ai đó sẽ đọc tên họ lên sau một cuộc rút thăm. Họ bỏ cả buổi tối thứ bảy để dán mắt vào ti-vi, hồi hộp theo dõi buổi xổ số để xem tuần này vận may có “rơi” trúng mình hay không.
Chắc chắn ai cũng muốn trúng số, và những người giàu thỉnh thoảng cũng vẫn chơi cho vui. Nhưng thứ nhất, họ không bao giờ chấp nhận bỏ ra một nửa thu nhập của mình để mua vé số, và thứ hai, việc trúng số không phải là chiến lược làm giàu chủ yếu của họ.
Bạn phải tin rằng bạn là người tạo ra thành công của mình, rằng bạn là người tạo ra sự khốn quẫn của bạn, và rằng bạn là người tạo nên những khó khăn xung quanh tiền bạc và thành công của bạn. Dù bạn có ý thức hay không thì vẫn chỉ là bạn đã làm nên tất cả những điều đó.
Thay vì chịu trách nhiệm trước những gì diễn ra trong cuộc sống của mình, người nghèo thường chọn cách chơi trò đóng vai nạn nhân. Suy nghĩ chủ đạo của một nạn nhân thường là lời than thở “khốn khổ thân tôi”. Vậy là cầu được ước thấy, theo quy luật Sức mạnh của Ý định, đó là tất cả những gì nạn nhân nhận: Họ nhận được sự “khốn khổ”. Hãy để ý rằng tôi nói họ chơi trò đóng vai nạn nhân, tôi không nói họ là nạn nhân. Tôi không tin ai đó là nạn nhân. Tôi tin rằng người ta tự nguyện đóng vai nạn nhân bởi vì họ nghĩ điều đó đem lại cho họ lợi ích gì đó.
Làm sao bạn biết khi nào thì người ta đóng vai nạn nhân? Thường thì họ sẽ để lại ba dấu hiệu nhận biết”.
Đó chính là đổ lỗi, biện minh và oán trách.
“Việc đổ lỗi, biện minh và oán trách chỉ có tác dụng như liều thuốc an thần, nghĩa là chúng chỉ làm dịu bớt căng thẳng do thất bại gây nên, chứ không hề giảm nhẹ chính thất bại đó. Bạn hãy suy nghĩ điều đó. Nếu một người không thất bại dưới bất kỳ hình thức nào, liệu người đó có cần đổ lỗi, biện minh, oán thán? Câu trả lời tuyệt nhiên là không.
Từ nay nếu bạn nghe thấy mình đổ lỗi, biện minh hay oán trách, hãy dừng lại ngay và lập tức thôi hẳn. Hãy tự nhắc nhở mình rằng bạn đang tạo ra cuộc sống của bạn và trong từng phút, từng khắc một của thời gian, bạn sẽ thu hút hoặc là thành công hoặc là sự tệ hại đến cho mình. Vì thế, việc rất quan trọng là bạn phải chọn ý nghĩ và chọn từ ngữ của mình một cách thật cẩn trọng, tỉnh táo!
Bây giờ bạn đã sẵn sàng lắng nghe một trong những bí mật quan trọng nhất thế giới. Bạn đã sẵn sàng chưa? Hãy đọc kỹ: Không hề có một nạn nhân nào thực sự giàu có! Bạn có hiểu không? Tôi sẽ nói lần nữa: Không hề có một nạn nhân nào thực sự giàu có. Nếu không thế, liệu có ai sẽ lắng nghe họ đây? Trời ơi, có một vết xước trên du thuyền của tôi! Nghe thế thì hầu như bất cứ ai cũng sẽ trả lời “Ai mà quan tâm cơ chứ”.
Sachkinhte.com.vn trân trọng giới thiệu!